Công nghệ giáo dục ở Châu Á quan trọng thế nào?

Tại trung tâm của một thành phố ở Châu Á, một học sinh ngồi trong lớp học, ghi chép bài giảng bằng laptop. Trên đường về nhà, cô học sinh này chỉnh sửa bài tập lần cuối trên máy tính bảng rồi gửi bài thông qua nền tảng học tập trực tuyến của trường.

Ở vùng ngoại ô, một học sinh khác gọi điện cho trường để thông báo nghỉ học ngày hôm đó. Xe buýt duy nhất đưa cậu đến trường đã không xuất hiện cả tiếng đồng hồ. Cậu hứa sẽ bắt kịp bài giảng bằng điện thoại thông minh của bố sau khi bố cậu về nhà tối đó, đó là phương tiện truy cập Internet duy nhất của cậu ở nhà.

Đây là hai ví dụ về hai học sinh với khả năng tiếp cận thiết bị số trái ngược nhau hoàn toàn. Mỗi vùng miền ở Châu Á có khả năng tiếp cận học tập khác nhau, các tổ chức giáo dục và chính phủ đang chuyển sang công nghệ để thu hẹp khoảng cách này. Dưới đây là một số xu hướng mới nổi ở Châu Á:

1)     Học tập di động

Với sự thâm nhập cao của điện thoại thông minh khắp Châu Á, bao gồm cả những khu vực kém phát triển, các trường học và chính phủ đang dần sử dụng học tập di động nhiều hơn để mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia mua công nghệ học tập di động hàng đầu thế giới. Các sản phẩm học tiếng Anh di động, bao gồm cả các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng là những sản phẩm bán chạy nhất.

Indonesia, quốc gia áp dụng học tập di động từ khá sớm, sử dụng nền tảng để mở rộng công tác kiến tạo môi trường học tập hỗn hợp. Ngày nay, sách giáo khoa điện tử đã có trên điện thoại thông minh và máy tính bảng để học sinh – sinh viên có thể truy cập thông qua ứng dụng do một công ty khởi nghiệp địa phương, Mahoni, phát triển. Mạng xã hội cá nhân dành cho giáo dục và nền tảng Khoá học Trực tuyến Mở Đại chúng (MOOC), Kelase, đã phát hành ứng dụng di động riêng để bổ sung cho trang web máy tính của mình nhằm cho phép mọi người học tập tốt hơn ở mọi nơi, mọi lúc.

2)     Phát triển kỹ năng thế kỷ 21

Hơn 50% việc làm hiện nay yêu cầu kỹ năng về công nghệ, và chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, con số này sẽ tăng lên đến 77%. Các phát triển này đang đặt các kỹ năng thế kỷ 21 và khả năng sẵn sàng cho tương lai làm trọng tâm cho mọi buổi thảo luận giáo dục. Bằng cách trang bị kỹ năng cứng về kỹ thuật số và kỹ năng mềm về nhận thức, chẳng hạn kỹ năng giao tiếp và kỹ năng lãnh đạo, các nhà giáo dục khắp vùng tập trung vào việc giúp học sinh sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho công việc trong tương lai.

Tại Philippines, Bộ Giáo dục đã triển khai giáo trình K-12 kết hợp “Kiến thức về truyền thông và thông tin” như một bộ môn chính nhằm phát triển kỹ năng thế kỷ 21 để giúp lớp trẻ Philippines phát triển tốt trong nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, khắp Châu Á, rất nhiều nhà giáo dục đang tận dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến như Cộng đồng Chuyên gia Giáo dục Microsoft để giảng dạy kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại các lớp học.

3)     Cá nhân hóa học tập

Mặc dù cá nhân hóa không phải là một khái niệm mới trong giáo dục, nhưng công nghệ đã cho phép chúng ta điều chỉnh sâu hơn các phương pháp, chương trình và kinh nghiệm học tập để đáp ứng nhu cầu học tập riêng của từng học sinh. Với sự phát triển của dữ liệu và phân tích, các chiến lược chỉnh sửa có thể được xây dựng cho từng học sinh và được thực hiện thông qua các giải pháp giáo dục kỹ thuật số mà không cần thuê thêm giáo viên—một nguồn lực hạn chế tại nhiều vùng ở Châu Á.

Một số tổ chức giáo dục bậc cao tại Châu Á đã bắt đầu kết hợp các công cụ công nghệ để cải thiện khả năng cá nhân hóa học tập. Đại học Brunei Darussalam (UBD) đang hợp tác với công ty công nghệ địa phương Mindplus Education để nghiên cứu và phát triển những giải pháp cá nhân hóa học tập có thể hỗ trợ tốt hơn cho nhu cầu của sinh viên trực tuyến và tại lớp.

Republic Polytechnic, một viện giáo dục đại học ở Singapore, gần đây đã cách tân hệ thống quản lý học tập nhằm tạo ra một môi trường học tập tốt hơn, hỗ trợ giáo dục theo tiến độ tự quyết và cá nhân hóa để học viên có thể đạt kết quả tốt hơn.

Công nghệ không phải là một giải pháp hoàn hảo

Mặc dù có rất nhiều công cụ và ý tưởng công nghệ có thể giúp thu hẹp khoảng cách số—cần lưu ý rằng tầm nhìn đúng đắn và kế hoạch kỹ lưỡng là hai yếu tố quan trọng để chuyển đổi thành công. Microsoft Education cam kết sẽ giúp đỡ các trường học và chính phủ thực hiện bước tiếp theo trong công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số của họ—để giúp học sinh – sinh viên tại Châu Á đạt được nhiều thành tựu hơn.

Tags: , , , ,