Báo cáo tiến độ sau một năm triển khai kế hoạch “âm carbon”

Carbon negative

Tác giả bài Blog: Brad Smith, Chủ tịch Microsoft

Một năm trước, chúng tôi đã chia sẻ cam kết quan trọng nhất trong lịch sử của Microsoft trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Như Satya Nadella, Amy Hood và tôi đã cùng công bố vào tháng 1 năm ngoái, Microsoft cam kết trở thành một doanh nghiệp có “dấu chân âm carbon” vào năm 2030 – có nghĩa là vào ngày đó, lượng carbon mà chúng tôi loại bỏ được trong môi trường sẽ nhiều hơn lượng chúng tôi thải ra. Đến năm 2050, chúng tôi cam kết sẽ loại bỏ khỏi môi trường lượng carbon mà Microsoft đã thải ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng điện năng kể từ khi công ty được thành lập năm 1975.

Tròn một năm kể từ cam kết này, hôm nay tôi muốn chia sẻ những kết quả ban đầu mà chúng tôi đã đạt được:

  • Trong năm đầu tiên, chúng tôi đã giảm 6% lượng khí thải carbon, tương đương khoảng 730.000 tấn.
  • Chúng tôi đã chi trả cho 26 dự án trên toàn thế giới để loại bỏ 1,3 triệu tấn carbon.
  • Chúng tôi cam kết minh bạch thông tin bằng cách gửi những dữ liệu trong Báo cáo Phát triển Bền vững Thường niên của tập đoàn cho một bên thứ ba đánh giá, công ty kiểm toán Deloitte. Ngoài ra, bắt đầu từ năm tài chính tiếp theo, tiến độ thực hiện các mục tiêu bền vững sẽ trở thành một yếu tố góp phần quyết định mức lương thưởng cho các giám đốc trong tập đoàn.

Hôm nay, chúng tôi cũng chia sẻ những kết quả từ Báo cáo Phát triển Bền vững của Microsoft. Báo cáo này không chỉ ghi nhận các hoạt động trong cam kết “âm carbon”, mà cả những mục tiêu khác như mức tiêu thụ nước, không rác thải….

Giảm lượng khí thải carbon

Mặc dù dành phần lớn thời gian của năm đầu để xây dựng nền tảng cho cả thập kỷ phía trước, nhưng chúng tôi cũng đã bắt đầu gặt hái được một số thành quả thực sự và có thể đo lường được lượng khí thải carbon của Microsoft. Trong năm đầu tiên, chúng tôi đã giảm 6% lượng khí thải, từ 11,6 triệu tấn xuống 10,9 triệu tấn. Đến năm 2030, mục tiêu của chúng tôi là cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải. Điều này có nghĩa là nếu chúng tôi duy trì và sau đó nâng cao các mức giảm này trong 10 năm liên tiếp, chúng tôi sẽ đạt và kỳ vọng vượt qua mục tiêu đưa ra.

Một trong số nguyên nhân dẫn tới mức giảm của năm ngoái là mọi hoạt động trên thế giới bị đình trệ vì COVID-19. Rõ ràng đây là một yếu tố không bền vững, điều này càng chứng minh tầm quan trọng của các yếu tố khác, trong đó đứng đầu danh sách là nhu cầu chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo tại các cơ sở và giảm khí thải tại các nhà cung cấp của chúng tôi.

Khi nhìn lại con đường đã đi, chúng tôi nhận ra hai thay đổi cơ bản đã đưa chúng tôi đi nhanh hơn và xa hơn. Thứ nhất là việc mở rộng phạm vi đánh thuế tiêu thụ “carbon nội bộ”, nghĩa là lượng phát thải carbon từ các nhà cung cấp và khách hàng đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi, lên “mức độ 3”. Trong nhiều năm, chúng tôi đã áp dụng thuế carbon nội bộ đối với lượng khí thải ở mức độ 1 và 2, tức là mỗi bộ phận của Microsoft phải đóng thuế nội bộ cho lượng carbon thải ra từ các nguồn phát thải trực tiếp như việc đi lại và sử dụng điện (với tỷ lệ 15 đô la cho mỗi tấn). Vào đầu năm tài chính của Microsoft – ngày 1/7/2020 vừa qua, Amy Hood đã ra quyết định mở rộng phạm vi đánh thuế carbon nội bộ tới mức độ 3, bắt đầu với mức thấp hơn là $5 trên mỗi tấn và sẽ tăng dần theo từng năm.

Quy chế này khuyến khích các phòng ban trong tập đoàn quan tâm hơn tới các nhà cung cấp cũng như lượng khí thải từ sản phẩm của họ. Một ví dụ điển hình mà tôi muốn nhắc đến là bộ phận Thiết bị. Bộ phận này đã xây dựng Hệ thống quản lý “Audit Management System” sử dụng giải pháp phân tích kinh doanh Microsoft Power BI để theo dõi hiệu suất và hỗ trợ cải tiến chuỗi cung ứng liên tục. Tương tự, nhóm Xbox của chúng tôi cũng đã phát triển một tính năng mới giúp giảm công suất từ ​​15W xuống dưới 2W khi thiết bị ở “chế độ chờ”.

Những cải tiến này cho thấy sự thay đổi mà chúng tôi đã thực hiện trong năm 2020 đối với Bộ Quy tắc Ứng xử dành cho Nhà cung cấp, cụ thể là yêu cầu công bố phát thải khí nhà kính, là bước đi quan trọng mang ý nghĩa lâu dài. Điều này đã làm tăng tính minh bạch và giúp chúng tôi hợp tác hiệu quả hơn với các nhà cung cấp trong việc giảm lượng khí thải của họ. Giờ đây, chúng tôi đang đưa loại dữ liệu này thành một phần trong quy trình mua hàng, kể cả trong các quyết định mua hàng của chúng tôi.

Như chúng tôi chia sẻ trong Báo cáo bền vững môi trường, một điều chúng tôi tiếp tục học được từ hoạt động này là chúng tôi phải nâng cao mức tiêu chuẩn. Chúng tôi cần phải có cái nhìn thực tế về bài toán carbon. Các phương pháp hiện tại được sử dụng để tính toán carbon rất mơ hồ và còn dựa nhiều vào đánh giá cá nhân. Chúng tôi cần các giao thức rõ ràng để đảm bảo rằng tiến độ được ghi nhận trong một báo cáo tài chính cũng chính là tiến độ trong thế giới thực.

Mặc dù không thu hút nhiều sự chú ý, nhưng còn một điểm tiến bộ khác không thể không nhắc đến. Khi chúng tôi nỗ lực khử carbon trong chuỗi cung ứng của mình, vai trò của hợp đồng là then chốt. Các hợp đồng với nhà cung cấp ngày nay không bao gồm giá carbon – mặc dù đáng lẽ ra phải có. Mua thụ động là không đủ. Những kinh nghiệm thu được năm nay khiến chúng tôi ngày càng vững tin rằng nền tảng cho hầu hết mọi cải tiến là sự kết hợp của các tiêu chuẩn cụ thể, các động lực kinh tế thực tế và các phép đo dựa trên công nghệ hiệu quả. Chúng tôi nghĩ rằng sự kết hợp này có thể đẩy nhanh tiến độ trên khắp thế giới.

Loại bỏ carbon trong môi trường

Nỗ lực ấn tượng nhất của chúng tôi trong vừa năm qua là loại bỏ carbon khỏi môi trường. Chúng tôi đã chi trả cho 15 nhà cung cấp thuộc 26 dự án trên khắp thế giới để loại bỏ 1,3 triệu tấn carbon cho đến thời điểm hiện tại.

Carbon negative

Đây vừa là một bước nhảy vọt ấn tượng, vừa là một bước đi khiêm tốn. Một mặt, chúng tôi tin rằng đây là thương vụ loại bỏ carbon hàng năm lớn nhất mà bất kỳ công ty nào từng có. Có thể thấy, một thị trường kinh tế mới và năng động mà thế giới cần đang dần được hình thành. Nhưng mặt khác, khi so với mục tiêu mà chúng tôi cần đạt được vào năm 2030, đây chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi gọi kế hoạch này là “moonshot” (tạm dịch là “chinh phục mặt trăng”). Nếu so sánh mục tiêu của chúng tôi với việc tiếp cận mặt trăng vào cuối thập kỷ này, thì hiện tại chúng tôi mới chỉ đưa một phi hành gia vào quỹ đạo quanh trái đất. Dù chúng tôi đang đi đúng đường thì vẫn còn cả một hành trình dài phía trước.

Những thương vụ loại bỏ carbon này có được nhờ những bản Đề nghị mời thầu (RFP) mà chúng tôi đưa ra vào tháng 7 với mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon. Thật kinh ngạc là chúng tôi đã nhận được hồ sơ đề xuất từ ​​189 dự án của 79 ứng viên từ hơn 40 quốc gia, bao gồm cả đề xuất loại bỏ 55 triệu tấn carbon trong năm nay.

Chúng tôi đã xét duyệt tất cả các hồ sơ dự thầu này với sự trợ giúp của chuyên gia khoa học và kỹ thuật bên thứ ba – Carbon Direct và Winrock International, phân tích độ bền và rủi ro của từng đề xuất. Các câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là: Carbon sẽ bị loại bỏ trong thời gian bao lâu? Nếu không có dự án thì tỉ lệ loại bỏ là bao nhiêu? Có rủi ro nào nếu khí thải bị rỏ rỉ trong quá trình di chuyển sang khu vực khác?

Quá trình này đã giúp chúng tôi xây dựng một một danh mục loại bỏ carbon có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại của chúng tôi cũng như khoản đầu tư vào các công nghệ trong tương lai. Điều quan trọng hơn nữa, đây là cơ hội để chúng tôi đánh giá một loạt điểm mạnh và điểm yếu, từ đó rút ra các bài học quan trọng.

Hãy bắt đầu với điểm mạnh. Đầu tiên là một số nguyên tắc chính đã phát huy hiệu quả với chúng tôi trong năm qua. Cụ thể, các nguyên tắc này bao gồm cam kết vừa giảm lượng phát thải carbon, vừa loại bỏ carbon, để điều thứ hai không trở thành cái cớ để lảng tránh điều thứ nhất. Đó chính là những gì chúng tôi đã nỗ lực thực hiện: vừa giảm lượng khí thải của tập đoàn, vừa bắt tay vào công cuộc loại bỏ carbon.

Ngoài ra, chúng tôi bắt buộc phải ngừng việc trả tiền để “tránh carbon” mà thay vào đó là trả tiền để “loại bỏ” carbon. Sự khác biệt là gì? Có thể hiểu nôm na như thế này. “Tránh carbon” trả tiền cho ai đó để không thải ra carbon trên danh nghĩa của bạn. Trong khi đó, loại bỏ carbon là trả tiền cho ai đó để loại bỏ carbon thay cho bạn. Tất nhiên, cuộc khủng hoảng carbon đôi khi đòi hỏi chúng ta phải tránh thực hiện các hoạt động mới có khả năng phát thải thêm carbon ra môi trường. Nhưng trả tiền cho ai đó để không thải ra khí carbon theo nghĩa đen đồng nghĩa với trả tiền để họ không làm gì cả. Chúng tôi hiểu rằng khủng hoảng khí hậu sẽ không được giải quyết bằng cách không làm gì cả. Chúng ta cần làm điều gì đó, và điều đó cần phải thực sự có hiệu quả.

Điểm yếu trong những nỗ lực của chúng tôi cũng không hề nhỏ. Như đã đề cập trong báo cáo, ngày nay hệ sinh thái loại bỏ carbon thực sự không tồn tại và thế giới phải xây dựng một thị trường mới gần như từ con số không với quy mô và tốc độ chưa từng có. Nhiệm vụ này sẽ vô cùng khó khăn, đòi hỏi đồng thời sự liêm chính, phối hợp công tư và đầu tư mạnh mẽ.

Chúng tôi hy vọng rằng những đóng góp của những bản Đề nghị mời thầu (RFP) sẽ không dừng ở phạm vi trong tập đoàn. Theo cảm nhận ban đầu của chúng tôi, thế giới không chỉ đã sẵn sàng, mà còn nóng lòng tạo dựng thị trường mới này. Đó là lý do tại sao chúng tôi công khai tất cả 189 đề xuất loại bỏ carbon, ngoại trừ những thông tin độc quyền. Chúng tôi cũng chia sẻ những bài học riêng về cách làm hiệu quả và không hiệu quả để những tổ chức khác có thể đẩy nhanh quá trình loại bỏ carbon của chính họ. Hãy tham khảo “Cách thức loại bỏ carbon” của chúng tôi để tìm hiểu thêm thông tin.

Trong giai đoạn đầu, chúng tôi cũng nhận ra một điểm yếu nữa. Gần như tất cả các giải pháp loại bỏ carbon mà chúng tôi đang đầu tư là ngắn hạn và dựa trên tự nhiên, phản ánh tình trạng thị trường ngày nay và nhu cầu loại bỏ carbon tức thì của chúng tôi. Phần nhỏ còn lại đến từ khoản đầu tư kết hợp trung hạn hoặc khoản đầu tư lớn vào các giải pháp công nghệ dài hạn.

Nếu nhìn vào kế hoạch này thông qua hình ảnh ẩn dụ “chinh phục mặt trăng” thì đây chắc chắn không phải là tên lửa có thể đưa chúng tôi lên mặt trăng. Thế giới cần phát minh ra các giải pháp dựa trên công nghệ mạnh mẽ hơn nhiều so với những công nghệ hiện có. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thành lập Quỹ Đổi mới Khí hậu trị giá 1 tỷ đô la vào năm 2020. Quỹ này hiện đang đầu tư vào các công nghệ mới như thu nhận không khí trực tiếp. Thế giới sẽ cần nhiều khoản đầu tư hơn nữa từ các nguồn từ thiện, tư nhân và công. Chúng tôi may mắn nhận được các khoản đầu tư cho lĩnh vực này và sự ủng hộ của lãnh đạo Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và các chính phủ khác. Sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm trong tương lai.

Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Một nhu cầu khác đang ngày càng gia tăng trên khắp thế giới là đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình để chắc chắn rằng mọi cá nhân trong tổ chức đều thực hiện đúng. Thỏa thuận Xanh “Green Deal” của Liên minh Châu Âu là một ví dụ điển hình cho xu hướng. Và hiện tại chúng tôi cũng đang thực hiện hai bước để hoà mình vào xu hướng này.

Đầu tiên, để duy trì tính minh bạch, chúng tôi đã công khai các dữ liệu về carbon, nước, chất thải và hệ sinh thái trong báo cáo phát triển bền vững, đã được thanh tra bởi một bên thứ 3 độc lập.

Thứ hai, các tiến độ thực hiện mục tiêu bền vững sẽ được xét là một tiêu chí trong việc xác định mức lương thưởng bắt đầu từ năm tài chính tiếp theo của chúng tôi vào tháng 7. Điều này sẽ bổ sung vào chính sách mà chúng tôi đã xây dựng từ năm 2016 để ràng buộc một phần lương thưởng của cấp bậc giám đốc với các biện pháp quản lý, xã hội và môi trường, bắt đầu với tính đa dạng trong nguồn nhân lực. Từ nay đến tháng 7, Ủy ban lương thưởng thuộc Hội đồng quản trị Microsoft sẽ đánh giá, xem xét và phê duyệt những thay đổi này. Chính sách này sẽ áp dụng đối với mức lương thưởng của các thành viên trong Nhóm lãnh đạo cao cấp của công ty, bao gồm cả CEO Satya Nadella.

Nhìn về phía trước

Khi nhìn về tương lai, chúng tôi thấy được cả thách thức lẫn cơ hội. Năm vừa qua, nhiều công ty trên thế giới đã đưa ra các sáng kiến ​​bền vững mới. Chúng tôi cũng nhận thấy những thành quả đáng kể từ cam kết xanh của các tập đoàn lớn như Starbucks, Maersk, Cemex, Unilever, Amazon, Apple, Google và Stripe.

Dần dần, những cam kết xanh này đang và sẽ trở nên cần thiết, thậm chí là yêu cầu bắt buộc từ các nhà đầu tư và cổ đông. Như ông Larry Fink, CEO của BlackRock, đã chia sẻ vào tuần trước, “Chúng tôi hiểu rằng rủi ro khí hậu chính là rủi ro đầu tư. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng quá trình chuyển đổi khí hậu là một cơ hội đầu tư lịch sử”. Nói tóm lại, xu hướng của thế giới bây giờ sẽ là ưu tiên các khoản đầu tư của khu vực tư nhân, sau đó tới quyền lực của chủ nghĩa tư bản, để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Từ đó chúng ta có thể thấy những tuyên bố từ các tập đoàn trong năm vừa qua phản ánh xu hướng của tương lai, chứ không phải sự kiện chỉ dậy sóng một lần.

Bài học cuối cùng từ hoạt động của chúng tôi trong năm qua là khi nói đến cuộc khủng hoảng carbon, kiến ​​thức là sức mạnh tối thượng. Tất cả chúng ta đều còn rất nhiều điều cần học hỏi. Trong ba thập kỷ tới, chúng ta sẽ cần những đột phá về công nghệ ngang bằng với những đột phá đã đưa nhân loại lên mặt trăng cách đây nửa thế kỷ. Điều này sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư và mối quan hệ hợp tác mới.

Để có được thành quả thì không thể thiếu những cuộc thảo luận. Phần lớn những gì chúng tôi có được là nhờ sự kết hợp từ nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực khác với nhau. Trong đó, đặc biệt từ người ủng hộ lớn nhất kiêm nhà phê bình tâm huyết nhất của tập đoàn – ông Bill Gates. Chúng tôi rất tự hào khi biết rằng Bill sẽ làm nhiều hơn nữa để mở rộng cuộc thảo luận mang tính toàn cầu khi xuất bản cuốn sách của mình vào tháng tới – How to Avoid a Climate Disaster (tạm dịch Làm thế nào để tránh một thảm họa khí hậu). Trong năm qua chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ Bill và những bài học trong bản thảo cuốn sách của ông.

Như chúng ta vẫn thường nghe, giá trị của một cuốn sách không chỉ nằm trên từ ngữ, mà vì mỗi cuốn sách là một nền tảng cho các cuộc thảo luận. Và đây chính là cuộc thảo luận mà thế giới cần phải có.