Liên minh hội tụ các nhà lãnh đạo khu vực công và tư nhân từ bảy quốc gia cùng nhau tìm hiểu những chính sách hỗ trợ công nghệ số và đám mây, hướng tới mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn diện
Hôm nay, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (The Lee Kuan Yew School of Public Policy) thuộc Đại học Quốc gia Singapore và Microsoft đã ra mắt Liên minh số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC Leaders Digital Alliance).
Với chủ đề “Chuyển đổi số để tăng trưởng: Khai thác Sức mạnh của Dữ liệu để Phục hồi Quốc gia”, phiên họp đầu tiên có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách đến từ Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các học giả và chuyên gia hàng đầu của Đại học Quốc gia Singapore, Ngân hàng Thế giới, IDC và Microsoft.
Phiên họp đã thảo luận về các phương pháp tiếp cận toàn diện trong việc áp dụng công nghệ số và cân nhắc những chính sách hỗ trợ cho những quyết định dựa trên dữ liệu. Các nhà lãnh đạo khu vực công cũng chia sẻ quan điểm của họ về tương lai của công việc và nhu cầu quan trọng của các kỹ năng số trong dịch vụ dân sự.
Jean-Philippe Courtois, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Chủ tịch, Liên danh Chuyển đổi Quốc gia của Microsoft, phát biểu: “Đây là lần đầu tiên Microsoft tham gia một hợp tác như Liên minh số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điều đó thực sự quan trọng đối với chúng tôi. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến vai trò then chốt của công nghệ trong việc tạo ra việc làm, duy trì tính cạnh tranh và đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh cũng như cho nền kinh tế trong đại dịch. Tại châu Á – Thái Bình Dương, chúng tôi cũng đang hiện thực hóa chương trình nghị sự đầu tiên về chuyển đổi số đi vào cuộc sống. Đầu năm nay, chúng tôi đã khởi động các sáng kiến Berdayakan Indonesia và Bersama Malaysia nhằm hỗ trợ các kế hoạch chuyển đổi số quốc gia và cam kết đào tạo kỹ năng cho hàng triệu người ở cả hai quốc gia này. Đây chính là thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo chính phủ quy tụ cùng nhau lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”
Tăng cường sự bền bỉ và khả năng phục hồi với công nghệ Đám mây và Trí tuệ nhân tạo
Trong một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Economist Intelligence Unit, 8 trong số 10 chính phủ tham gia khảo sát đã ghi nhận có sự gia tăng đầu tư vào công nghệ số kể từ sau đại dịch. Họ cũng thừa nhận vai trò của chuyển đổi số trong việc đảm bảo các công dân của mình khỏe mạnh và an toàn trước đại dịch, nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của công việc này.
Danny Quah, Giáo sư Kinh tế Li Ka Shing kiêm Trưởng khoa Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Đại dịch toàn cầu đã cho thấy một trong những xu hướng tiềm ẩn mạnh mẽ nhất, đó là yêu cầu số hóa ngày càng gia tăng. Trên thực tế, không chỉ là sự gián đoạn sức khỏe cộng đồng, mà còn là các lực lượng kinh tế và xã hội đều đang thúc đẩy thế giới theo hướng số hóa. Để phát triển, chúng ta cần những cách thức mới để xây dựng lòng tin và sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và dịch vụ công. Liên minh số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thực hiện chính xác điều đó.”
Một nghiên cứu về sự chuyển đổi của tờ The Economist cũng đã cho thấy công nghệ hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế được coi là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức và chính phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các cơ quan chính phủ được trang bị công nghệ số đã có lợi thế tốt hơn trong việc thích ứng với những biến động và thách thức do đại dịch gây ra. Do đó, đầu tư cho chuyển đổi số sẽ đảm bảo khả năng phục hồi cho các hoạt động chính phủ trong bất kỳ tình huống nào trong tương lai.
Gerald Wang, Giám đốc khu vực công của IDC Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Ngày nay, nhiều quốc gia, thành phố và cộng đồng đang hướng đến kế hoạch xây dựng các hệ sinh thái số khi các quốc gia mở cửa biên giới của mình. Hai năm qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng công nghệ số cũng như áp dụng chúng cho các dịch vụ của khu vực công. Khi chúng ta bước sang năm 2022, các cuộc đối thoại của các nhà lãnh đạo thế giới chủ yếu sẽ xoay quanh ba mối quan tâm trọng yếu là: an ninh, khủng hoảng chuỗi cung ứng và tính bền vững. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo CNTT cũng sẽ cân nhắc thêm những lĩnh vực như: hiểu biết và nhận thức số thông qua các chính sách và quy định công; quản trị tài sản số; đầu tư số và các chỉ số hiệu suất theo dõi cho các trách nhiệm giải trình của yếu tố cấu thành và người nộp thuế; và sự đổi mới không ngừng các công nghệ mới nổi như 5G, điện toán đám mây thế hệ tiếp theo, an ninh mạng, blockchain, AR/VR, IoT, điện toán biên và điện toán lượng tử. ”
Kế hoạch tiếp theo cho Liên minh số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Dựa trên những khuyến nghị từ phiên họp đầu tiên, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và Trường Giáo dục Thường xuyên và Suốt đời thuộc Đại học Quốc gia Singapore sẽ xây dựng một tài liệu có chủ đề xoay quanh sự phục hồi quốc gia và nền kinh tế số. Đây được coi là lộ trình để các nước tham gia đẩy nhanh các bước tiếp theo trong tiến trình phục hồi kinh tế và hội nhập số. Tài liệu này sẽ được xuất bản vào đầu năm 2022.
Courtois cho biết: “Khi các quốc gia đều hướng tới một thế giới hậu đại dịch, với tư cách là nhà cung cấp và cố vấn công nghệ chiến lược đáng tin cậy, Microsoft cam kết sẽ hỗ trợ chính phủ các nước trong việc khai thác sức mạnh của Đám mây và Trí tuệ nhân tạo để phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện cũng như tăng cường khả năng chịu đựng sau đại dịch. Đặc biệt, bằng việc hợp tác với các đối tác như Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái giữa khu vực công và khu vực tư, từ đó sẽ cho phép chúng ta hình dung lại tương lai và giải quyết được nhiều thách thức lớn mang tầm quốc gia.”
Liên minh số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ họp tiếp vào tháng 6 năm 2022 để tiếp tục đối thoại và điều hướng cho các hành động và thay đổi trong tương lai.
Paulo Fernandes, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tin rằng công nghệ có thể và nên là động lực cho sự phát triển. Đổi mới sáng tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trên toàn thế giới. Vừa qua, Việt Nam đã thông qua Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, nhiều sáng kiến sẽ được thực hiện nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số như thay đổi nhận thức, xây dựng chiến lược doanh nghiệp và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số trong những lĩnh vực như kinh doanh, quản lý và sản xuất. Và tôi rất tự hào khi Liên minh Kỹ thuật số các Nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đến Việt Nam đúng lúc này để chúng tôi có thể chung tay cùng chính phủ Việt Nam thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.”
Thông tin về Trường Chính sách công Lý Quang Diệu
Trường Chính sách công Lý Quang Diệu là một trường đào tạo tự chủ và chuyên nghiệp sau đại học của Đại học Quốc gia Singapore. Sứ mệnh của trường là giảng dạy và đạo tạo các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo với với mục tiêu nâng cao các tiêu chuẩn quản trị trong toàn khu vực, cải thiện cuộc sống của người dân và qua đó, góp phần vào sự chuyển đổi của không chỉ châu Á mà còn các khu vực khác. Ngoài các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ, trường còn cung cấp các chương trình tùy chọn với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà quản lý và chuyên gia cấp cao bị hạn chế về mặt thời gian với mục đích là cung cấp các giải pháp sáng tạo cho các thách thức thực tế trong lĩnh vực quản lý và lãnh đạo.