Hướng tới mục tiêu 2030 – Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2022

Melanie Nakagawa, Giám đốc Phát triển Bền vững, và Brad Smith, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Vừa qua, Microsoft đã chính thức công bố Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2022. Năm 2022 là năm Microsoft tập trung vào đổi mới, hợp tác và có những bước tiến đáng kể bám sát những cam kết đã đưa ra, nhằm đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho khách hàng, đối tác và cho thế giới. Bạn có thể đọc bản tóm tắt báo cáo dưới đây hoặc đọc toàn bộ báo cáo tại đây.

Thúc đẩy phát bền vững trong công ty, cho khách hàng và cho thế giới

Cách tiếp cận của Microsoft để giải quyết khủng hoảng khí hậu bắt đầu từ việc áp dụng các chính sách bền vững trong hoạt động kinh doanh. Từ năm 2020, chúng tôi đã cam kết vào năm 2030, Microsoft sẽ trở thành một công ty có chỉ số carbon âm, chỉ số nước dương và chỉ số chất thải là không (carbon negative, water positive, zero waste) để bảo vệ hệ sinh thái. Sau ba năm trên hành trình này, chúng tôi vẫn kiên định với cam kết của mình.

Trong năm 2022, chúng tôi đã giới thiệu Microsoft Cloud for Sustainability, một bộ công cụ quản lý phát triển bền vững toàn diện dành cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã đóng góp vào việc phát triển một loạt các sáng kiến bền vững trên toàn cầu, nhằm mang lại lợi ích cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh. Ví dụ, chúng tôi đã hỗ trợ việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ khí hậu mới thông qua Quỹ đổi mới khí hậu của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh chương trình nghị sự về chính sách khí hậu, giúp xây dựng hệ thống kế toán carbon tiêu chuẩn đáng tin cậy và tương tác cao. Đồng thời, chúng tôi đã ủng hộ các chương trình nâng cao kỹ năng để mở rộng lực lượng lao động xanh và hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở phía nam bán cầu.

Trở thành ví dụ điển hình trong phát triển bền vững

Sự phát triển bền vững tại Microsoft là mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi có khả năng kiểm soát, do vậy chúng tôi tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ này và thực hiện các cam kết đến năm 2030. Chúng tôi đã đề ra những cam kết đầy tham vọng từ năm 2020 và chúng tôi nhận thức rằng tiến độ không phải lúc nào cũng diễn ra theo một đường thẳng.

Vào năm 2022, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã tăng trưởng 18% và tổng lượng khí thải của chúng tôi giảm 0,5%. Điều này một phần là kết quả của việc giảm 22,7% lượng khí thải phát sinh trực tiếp trong hoạt động của công ty (Phạm vi 1 và 2). Tại Microsoft, lượng phát thải Phạm vi 1 và 2 chỉ chiếm dưới 4% tổng lượng phát thải, trong khi lượng phát thải gián tiếp, Phạm vi 3, chiếm hơn 96%. Lượng khí thải thuộc Phạm vi 3 của chúng tôi chỉ tăng nhẹ (0,5%) vào năm 2022, mặc dù hàng hóa và dịch vụ mua vào tăng 25% do tăng trưởng kinh doanh. Những số liệu tích cực vào năm 2022 là kết quả của những cải tiến trong hoạt động, sử dụng phương thức đo lường từ xa dựa trên thiết bị theo thời gian thực, đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và mua các chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) tách rời.

Trong khi chúng tôi tiếp tục nỗ lực giảm lượng khí thải trong Phạm vi 1 và 2 xuống gần bằng không, thì Phạm vi 3 là thách thức cuối cùng trong mục tiêu đạt chỉ số cacbon âm. Khi chúng tôi đưa ra cam kết trở thành doanh nghiệp carbon âm vào năm 2020, đó không chỉ là một thách thức trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, mà còn mong muốn gửi đến thế giới một lời mời tham gia vào hành trình này, biến ý tưởng thành hành động và hành động thành tác động. Ngoài cam kết đạt chỉ số carbon âm, chúng tôi cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ đối với các cam kết năm 2030  về nước, chất thải và hệ sinh thái:

Chỉ số nước dương

Chúng tôi đã ký hợp đồng hỗ trợ các dự án khôi phục nguồn tài nguyên nước, ước tính cung cấp hơn 15,6 triệu m3 nước, nâng tổng lượng nước từ các dự án đang hoạt động của chúng tôi lên 35 triệu m3. Ngoài ra, chúng tôi đã cung cấp nước sạch và các giải pháp vệ sinh cho hơn 850.000 người dân, trong đó có 163.000 người dân ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Mexico.

Chỉ số rác thải bằng không

Chúng tôi đã nâng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế của toàn bộ phần cứng đám mây lên 82% và tiếp tục hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ tái sử dụng và tái chế 90% vào năm 2030. Chúng tôi cũng đã giảm lượng nhựa sử dụng một lần trên tất cả bao bì của Microsoft xuống còn 3,3% và đang hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa trên bao bì vào năm 2025. Tổng cộng, chúng tôi đã ngăn chặn xả thải 12.159 tấn chất thải rắn vào môi trường.

Bảo vệ hệ sinh thái

Chúng tôi tiếp tục duy trì cam kết bảo vệ nhiều diện tích đất hơn diện tích chúng tôi sử dụng. Vào năm 2022, trong số hơn 17.000 mẫu đất được ký hợp đồng chính thức, 12.000 mẫu đất đã được chỉ định cho mục đích bảo tồn. Diện tích đất được bảo tồn vào năm 2022 lớn hơn diện tích mà chúng tôi sử dụng khoảng 11.200 mẫu đất.

Gia tăng ảnh hưởng và giúp khách hàng đạt được nhiều thành tựu hơn

Mục tiêu thứ hai mà chúng tôi có thể tạo ảnh hưởng là sự phát triển bền vững của khách hàng. Mặc dù lượng phát thải của Microsoft chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng khí thải toàn cầu, nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc giúp giảm hoặc loại bỏ 99,97% lượng khí thải toàn cầu còn lại.

Các công ty chỉ có thể quản lý những gì họ có thể đo lường và Microsoft cam kết giúp khách hàng đo lường tác động của hoạt động kinh doanh của họ lên môi trường một cách kịp thời và chính xác. Vào tháng 6 năm 2022, chúng tôi đã ra mắt Microsoft Cloud for Sustainability, một nền tảng quản lý phát triển bền vững toàn diện bao gồm Microsoft Sustainability Manager. Những công cụ số mới này có thể được kết hợp với hầu hết mọi hệ thống kinh doanh và tập hợp dữ liệu thông minh cho các tổ chức ở bất kỳ giai đoạn nào trong hành trình phát triển bền vững của họ. Sustainability Manager cho phép các tổ chức ghi lại, báo cáo và giảm phát thải ở Phạm vi 1, 2 và 3.

Vào năm 2022, chúng tôi cũng đã phát hành phiên bản xem trước của Microsoft Planetary Computer, công cụ cho phép khách hàng đo lường, giám sát và sau đó quản lý các hệ sinh thái có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động của họ cũng như đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến rủi ro khí hậu.

Thúc đẩy và hỗ trợ một thế giới bên vững hơn

Cuối cùng, mục tiêu thứ ba của chúng tôi là sự phát triển bền vững của toàn cầu. Tương tự như cách công nghệ Microsoft đã lan tỏa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng tác động của các chương trình phát triển bền vững.

Vào tháng 11 năm 2022, các nhà lãnh đạo khí hậu toàn cầu đã tập trung tại Hội nghị Về Biến đổi Khí hậu lần thứ 27 – COP27. Tại COP27, các cuộc thảo luận quan trọng đã diễn ra, tập trung vào tác động không đồng đều của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Tại Microsoft, chúng tôi tập trung vào việc triển khai các chương trình và chính sách về khí hậu, nhằm mang lại tác động tích cực cho tám tỷ người dân trên hành tinh Trái đất.

Chính sách

Chúng tôi hỗ trợ các sáng kiến chính sách công để đẩy nhanh việc báo cáo, giảm thiểu và loại bỏ carbon, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tiếp cận nguồn nước và giảm thiểu áp lực về nhu cầu sử dụng nước cũng như khả năng đo lường, quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái. Vào năm 2022, chúng tôi tiếp tục cam kết tạo tác động lên các chính sách công bằng cách phát hành các bản tóm tắt chính sách về carbon và điện.

Đo lường carbon và lời kêu gọi carbon

Vào tháng 2 năm 2022, Microsoft, Tổ chức ClimateWorks và hơn 20 tổ chức hàng đầu đã đưa ra một sáng kiến mới quan trọng có tên là Lời kêu gọi Carbon. Mục tiêu của chương trình này là triển khai một hệ thống kế toán carbon tiêu chuẩn đáng tin cậy hơn và tính tương tác cao. Lời kêu gọi Carbon hiện có hơn 80 bên ký kết và đã công bố lộ trình ban đầu tại COP27.

Quỹ Đổi mới Khí hậu

Microsoft đang đầu tư vào việc thúc đẩy đổi mới khí hậu thông qua Quỹ Đổi mới Khí hậu (CIF) trị giá 1 tỷ USD. Chúng tôi tập trung đầu tư vào các công nghệ và mô hình kinh doanh sáng tạo, có tiềm năng tạo ra tác động ý nghĩa và có thể đo lường được đối với khí hậu đến năm 2030. Kể từ khi CIF được thành lập vào năm 2020, Microsoft đã phân bổ hơn 600 triệu USD vào danh mục đầu tư toàn cầu gồm hơn 50 khoản đầu tư. Các khoản đầu tư này bao gồm các giải pháp bền vững trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp và tự nhiên.

Kỹ năng bền vững

Vào tháng 11 năm 2022, Microsoft và BCG đã phát hành một báo cáo có tên Thu hẹp khoảng cách về kỹ năng phát triển bền vững: Giúp doanh nghiệp chuyển từ cam kết sang kết quả. Báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại thông qua các sáng kiến học tập, tập trung vào kiến thức và kỹ năng bền vững của người lao động và chính phủ. Mục tiêu của việc này là để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo, giúp họ có khả năng đảm nhận các công việc bền vững trong tương lai.

Một thập kỷ đổi mới và hành động quyết đoán

Khi nhìn vào mục tiêu năm 2030 – và các năm sau nữa – chúng tôi vẫn lạc quan về sức mạnh của tập thể trong việc giảm lượng cacbon cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cùng nhau tiếp tục phát triển và thịnh vượng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào ba lĩnh vực chính có khả năng thúc đẩy mở rộng quy mô các giải pháp bền vững giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu:

  1. Nâng cao các giải pháp AI để tạo tác động lớn hơn đến khí hậu
  2. Thúc đẩy phát triển thị trường bền vững thông qua đầu tư
  3. Tạo ra các công cụ thúc đẩy đo lường và tuân thủ phát thải

Thập kỷ này sẽ là một thập kỷ của đổi mới và hành động quyết đoán, từ việc mở rộng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề bền vững cho đến thiết lập quan hệ đối tác mới giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Để chuyển từ cam kết sang kết quả, chúng ta không thể nản lòng trước những thách thức ngắn hạn và cần tiếp tục tập trung vào việc phát triển các giải pháp sáng tạo mới và trong nhiều trường hợp, thúc đẩy hành động nhanh chóng. Tại Microsoft, chúng tôi cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững không chỉ với tư cách là một công ty, nhà cung cấp công nghệ, mà còn với tư cách là công dân của Trái đất.