Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu Microsoft trao giải chung cuộc cho ý tưởng “Lớp học trên nền tảng đa ngôn ngữ” của giáo viên Việt

E21

Giải thưởng Microsoft E² Educator Exchange nhiều năm liền luôn là nguồn cảm hứng cho các chuyên gia giáo dục toàn cầu

 Hà Nội, Việt Nam 21/3/2016 – Tập đoàn Microsoft mới đây đã vinh danh các giải thưởng trong cuộc thi thuộc Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu E² Educator Exchange của Microsoft. Nhà giáo Nguyễn Thị Hải Hà, cùng 2 chuyên gia giáo dục Đức và Mỹ, với sáng kiến “Lớp học trên nền tảng đa ngôn ngữ” đã dành giải thưởng cao nhất tại cuộc thi. Đây là năm thứ 2 liên tục, các giáo viên Việt Nam đã dành được giải thưởng cao của Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu Microsoft E² Educator Exchange. Dành chiến thắng chung cuộc trong một cuộc thi gồm khoảng 240 thí sinh đến từ 79 quốc gia, giáo viên Việt Nam đã chứng minh được sự khác biệt khi ứng dụng các sáng tạo trong giảng dạy và cũng như trong quá trình so tài trên trường quốc tế. Cô Hà đã cùng các thành viên của nhóm thiết kế dự án bằng công nghệ Microsoft để “Chuyển đổi mô hình lớp học” nhằm cải tiến chất lượng dạy và học trong các lớp học hiện đại.

E22“Năm ngoái, thông qua 2 giải thưởng tại cũng tại Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu, đội Việt Nam đã khắc tên Việt Nam lên bản đồ giáo dục thế giới và chứng minh người Việt Nam có thể sử dụng công nghệ để giải quyết các thách thức ra sao. Với giải thưởng cao nhất năm nay, chúng ta một lần nữa chứng minh được rằng giáo viên Việt Nam có trình độ ngang hàng với các quốc gia phát triển như Đức và Mỹ trong công tác tối ưu hóa các kỹ năng thế kỷ 21 kết hợp với công nghệ trong chuyển đổi sang phương pháp giảng dạy hiện đại”, bà Trần Yên Định, Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam phát biểu. Tại cuộc thi lựa chọn, chuyên gia giáo dục từ các nước khác nhau được chia thành các nhóm nhỏ ngẫu nhiên. Mỗi nhóm được giao một bài tập chuyên đề theo định hướng “Chuyển đổi mô hình lớp học” và đạt được 3 tiêu chí:

  • Đưa ra bài toán phổ cập mà giáo viên hay gặp ở trong lớp học.
  • Đề xuất một giải pháp sáng tạo phù hợp để triển khai bằng công nghệ sẵn có và phù hợp với mọi thành viên trong nhóm. Giải pháp phải phù hợp với chuyên đề được yêu cầu
  • Tạo ra bản thuyết trình Microsoft Office Mix để mô tả bài toán của nhóm và sự ảnh hưởng của thách thức trong quá trình học tập, giải pháp của họ và sự kết quả khi cài đặt giải pháp này. Bản trình diễn Office Mix phải vắn tắt trong vòng 3 phút….

Trong suốt quá trình diễn ra hoạt động nhóm để tạo ra sản phẩm cho cuộc thi, các giáo viên Việt nam cùng các đồng nghiệp nước khác đã vượt qua rào cản về ngôn ngữ để cùng sáng tạo, vận dụng kiến thức đa dạng mang tính vùng miền cũng như chuyên ngành riêng của mỗi người, tận dụng các công cụ Microsoft quen thuộc để hoàn thành chủ điểm mỗi nhóm chọn. Chung cuộc, dự án “Lớp học trên nền tảng đa ngôn ngữ” của cô giáo Nguyễn Thị Hải Hà (Việt Nam), thầy giáo Stefan Malter (Đức) và cô giáo DeAnne Hainlen (Mỹ), đã dành giải thưởng cao nhất nhờ tính sáng tạo, tính đồng đội và hợp tác cao giữa các thành viên để tổ chức dạy học đầy hứng khởi cho học sinh đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Như thường lệ, ngoài trao đổi và thuyết trình của các chuyên gia giáo dục nổi tiếng toàn cầu, Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu của Microsoft năm nay đã ghi nhận và vinh danh thành tựu của các chuyên gia Giáo dục – những người luôn nỗ lực chuẩn bị cho các em sinh viên kỹ năng để thành công trong thế kỷ 21. Sự kiện đã mang lại cho 240 giảng viên ưu tú trên toàn cầu cơ hội để cộng tác, sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc tích hợp công nghệ vào phương pháp sư phạm mới theo tiêu chí giúp nâng cao kỹ năng học tập trong thế kỷ 21”, Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh.

Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu thường niên là một phần quan trọng của Chương trình Giáo dục của Microsoft. Đây thực sự là nơi để các giáo viên từ tất cả các nước (phát triển và đang phát triển) giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng trong nghề đồng thời gỡ bỏ sự kết hợp chưa nhuần nhuyễn giữa ứng dụng công nghệ vào các phương pháp giảng dạy tiên tiến. “Tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft, chúng tôi có cơ hội nhìn thấy những minh chứng cụ thể, từ đó hiểu hơn về năng lực của Công nghệ trong việc chuyển đổi thành công mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt những ảnh hưởng tích cực rõ rệt của Công nghệ trong ngành Giáo dục. Chúng tôi rất ấn tượng với những công nghệ tiềm năng như Office 365, công cụ giúp hỗ trợ xuất sắc cho việc giảng dạy và nghiên cứu, cũng như các Công nghệ khác giúp gia tăng hiệu quả trong lớp học. Thật xúc động khi nỗ lực của Giáo viên Việt nam đã được ghi nhận. Điễn đàn đã đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho toàn bộ giáo viên Việt Nam chúng tôi. Tôi trở về Việt Nam với nhiều ý tưởng sáng tạo, được tiếp thêm những kinh nghiệm quý báu từ giảng viên trên khắp thế giới. Tôi rất hào hứng trong việc áp dụng công nghệ Microsoft để góp phần nhỏ bé vào đổi mới giáo dục ngay tại lớp học và trường tôi sắp tới”, cô giáo Nguyễn Thị Hải Hà, người đồng Giải nhất Chung cuộc của Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu Microsoft 2016 chia sẻ.

“Hệ thống trường học hiện nay đang gặp nhiều thách thức trong quá trình đổi mới nhưng cũng đang có những cơ hội lớn để phát triển. Những hoạt động tại diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft đã và đang tiếp tục giúp các chuyên gia Giáo dục thế giới trong đó có Việt nam các cơ hội tiếp cận những công cụ công nghệ tiên tiến và kỹ năng sư phạm của thế kỷ 21. Là một phần quan trọng của chương trình Đối tác giáo dục Microsoft, chương trình bồi dưỡng giáo viên trong ứng dụng CNTT có hiệu quả và đưa giáo viên đi tham gia điễn đàn quốc tế đã chứng minh được cam kết của Microsoft trong việc trao quyền cho thế hệ kỹ thuật số Việt Nam, giúp họ năng lực chuyển đổi tương lai và phát triển kinh tế đất nước”, bà Trần Yên Định, Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam chia sẻ.

——

Về Microsoft Partners in Learning

Chương trình Partner in Learning (Đối tác giáo dục) là một phần quan trọng trong Thỏa thuận Hợp tác Giáo dục giữa Microsoft và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Quen thuộc với ngành giáo dục Việt Nam từ hơn 10 năm nay, Partner in Learning (Đối tác giáo dục) là một sáng kiến toàn cầu mà Microsoft thiết kế để chủ động tăng cường tiếp cận công nghệ và cải thiện việc ứng dụng CNTT trong việc dạy và học. Dự án kéo dài hơn 10 năm được công ty Microsoft đầu tư hơn 500 triệu USD để hỗ trợ giáo dục trên toàn cầu. Được thành lập năm 2003, Chương trình đã giúp cho hơn 196 triệu giáo viên và học sinh trên 114 quốc gia sử dụng CNTT một cách hiệu quả và sáng tạo trong giảng dạy để tăng cường hiệu quả học tập của học sinh. Một trong những kênh hỗ trợ chương trình là hệ thống mạng Partner in Learning –   kênh liên hệ, trao đổi, chia sẻ cũng như học hỏi các ý kiến sáng tạo trong việc ứng dụng CNTT trong giáo dục cho hàng triệu các   lãnh đạo giáo dục, giáo viên trên toàn cầu. Bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 2005, chương trình đã hỗ trợ tích hợp CNTT vào giảng dạy và học tập hàng ngày để thúc đẩy chất lượng giáo dục của Việt Nam với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Tính đến nay có 65.000 giáo viên và 2.100.000 học sinh tại 5.150 trường tại Việt Nam đã gặt hái thành công nhất định từ chương trình này. Chương trình tạo được mối liên kết chặt chẽ với các Sở GDĐT như: Hồ Chí Minh, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Hải Phòng, Huế, Hải Dương, Bắc Giang, Vũng Tàu…

Về giải thưởng toàn cầu E2 Global Educator Exchange 2016:

Nhóm đoạt giải – nhóm 48:

Sáng kiến “Lớp học trên nền tảng đa ngôn ngữ”

  • Cô giáo DeAnne Hainlen – Mỹ
  • Cô giáo Nguyễn Thị Hải Hà – Việt Nam
  • Thầy Stefan Malter – Đức
  • Mô tả: Di dân là một thách thức toàn cầu lớn. Học viên khi hội nhập quốc gia mới sẽ thiếu tự tin vì gặp rào cản ngôn ngữ. Giáo viên sẽ vất vả để giao tiếp và dạy học cho từng học sinh. Chuyên đề này sử dụng công cụ dịch thuật được dựng sẵn (built-in) trong OneNote để vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhờ đó các sinh viên có thể chia sẻ các câu chuyện cá nhân bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
  • Trang video về giải pháp: https://mix.office.com/watch/gqryez8v7fbj