Tiên liệu tương lai: Trí thông minh nhân tạo và vai trò trong xã hội

Xem bản gốc của ông Brad Smith – Chủ tịch & Giám đốc Pháp lý, và ông Harry Shum – Phó Chủ tịch Khối AI & Nghiên cứu của Microsoft tại đây.

Microsoft vừa ra mắt ấn phẩm The Future Computed: Artificial Intelligence and its role in society (tạm dịch – Tiên liệu tương lai: Trí thông minh nhân tạo và vai trò trong xã hội).

Hai chúng tôi cùng nhau viết lời tựa đầu cho ấn phẩm, và đội ngũ Microsoft đã phối hợp biên soạn nội dung. Như tựa đề đã thể hiện, ấn phẩm này chia sẻ tầm nhìn của Microsoft về công nghệ Trí thông minh nhân tạo (AI) trong tương lai và những vấn đề xã hội phát sinh.

Khi viết phần tựa đề này cá nhân chúng tôi đã có cơ hội nhìn lại và suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta đã bị công nghệ thay đổi như thế nào trong hai thập kỷ qua, và hình dung những điều có thể sẽ diễn ra trong vòng 20 năm tới. Vào năm 1998, cả hai chúng tôi cùng làm việc tại Microsoft, nhưng ở cách nhau một bán cầu. Mặc dù chúng tôi sống ở 2 Châu lục khác nhau, với 2 nền văn hóa khác biệt, chúng tôi có những trải nghiệm khá tương đồng, những thói quen hằng ngày được sắp xếp và hoạch định một cách thủ công. 20 năm sau, thế giới số đã trở thành một điều hiển nhiên đối với con người, dù đã từng được xem như khoa học viễn tưởng.

Công nghệ – bao gồm thiết bị di động và điện toán đám mây – đã cơ bản thay đổi cách chúng ta tiếp cận thông tin, lên kế hoạch một ngày, giao tiếp, mua sắm và tương tác với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp. Chỉ hai thập kỷ nữa, thế giới của chúng ta sẽ thay đổi thế nào? Tại Microsoft, chúng tôi hình dung AI sẽ giúp chúng ta làm được nhiều hơn với một trong những mặt hàng đắt giá nhất: thời gian. Đến năm 2038, trợ lý số sẽ được đào tạo để dự đoán nhu cầu của con người, giúp quản lý thời gian biểu, chuẩn bị cho những cuộc họp, lên kế hoạch cho những hoạt động xã hội, phản hồi và gửi thông tin giao tiếp, và điều khiển phương tiện giao thông.

Không những vậy, AI sẽ góp phần không nhỏ trong những lĩnh vực như sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục và giao thông. Điều này thật ra cũng đã đang diễn ra rất mãnh liệt trong thời điểm này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chứng kiến trong suốt 20 năm qua, mỗi một công nghệ mới đều khởi nguồn với nhiều thắc mắc và vấn đề xã hội phức tạp. Do vậy, khi nghiên cứu về tương lai có sự cấu thành từ người và máy, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết được những thử thách đó.

Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo AI được thiết kế và sử dụng có trách nhiệm? Làm thế nào để thiết lập những quy chuẩn đạo đức nhằm bảo vệ con người? Làm thế nào để quản lý việc sử dụng AI và liệu AI sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc làm và nguồn nhân lực?

Để trả lời những câu hỏi này, các chuyên gia công nghệ sẽ cần phải làm việc chặt chẽ với chính phủ, các nhà giáo dục, doanh nghiệp, chuyên gia xã hội và các nhà chức trách có liên quan. Tại Microsoft, chúng tôi xác định 6 nguyên tắc đạo đức: công bằng, độ tin cậy và an toàn, sự riêng tư và an ninh, sự bao gồm, minh bạch và nhận lãnh trách nhiệm – nhằm phát triển và sử dụng trí thông minh nhân tạo trong khuôn khổ cho phép. Nếu chúng ta càng hiểu rõ những vấn đề này, và các nhà phát triển công nghệ và người dùng không ngừng chia sẻ những hướng giải quyết thực tiễn, thế giới sẽ càng trở nên tốt hơn khi chúng ta có những quy định xã hội nhất định để quản lý AI.

Chúng ta cũng nên chú ý đến những ảnh hưởng của AI đối với nguồn lao động. Những công việc nào AI sẽ tạo ra, những công việc nào sẽ mất đi? Nếu có 1 điều duy nhất không thay đổi trong 250 năm qua, đó chính là việc công nghệ sẽ luôn ảnh hưởng đến nguồn lao động – tạo ra việc mới, loại bỏ việc hiện tại và thay đổi nội dung công việc. Điều này là chắc chắn sẽ tiếp tục.

Một số kết luận chính như sau:

Thứ nhất, những công ty hay quốc gia chấp nhận thay đổi nhanh chóng và hiệu quả sẽ đạt được những kết quả tốt trong kỷ nguyên AI.  Việc làm mới và tăng trưởng kinh tế sẽ đến với những người nắm bắt công nghệ, chứ không phải là những người chống lại hoặc trì hoãn việc áp dụng nó.

Thứ hai, mặc dù chúng ta tin rằng AI sẽ giúp giải quyết những vấn đề xã hội lớn, chúng ta cũng cần phải nhìn vào tương lai một cách cẩn trọng. Sẽ có những thách thức đi cùng với cơ hội. Chúng ta cần cân nhắc sự cần thiết của các quy chuẩn đạo đức mạnh mẽ, sự phát triển của pháp luật và đào tạo kỹ năng mới và thậm chí là thay đổi thị trường lao động. Tất cả mọi thứ phải cùng phát triển nếu chúng ta muốn tận dụng tối đa công nghệ AI.

Thứ ba, chúng ta cần hành động có trách nhiệm bởi vì AI sẽ không được tạo ra bởi chỉ công nghệ. Tại Microsoft, chúng tôi nỗ lực dân chủ hóa AI theo cách tương tự như việc cung cấp máy tính cá nhân cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa chúng tôi tạo ra các công cụ giúp mọi lập trình viên, doanh nghiệp, và chính phủ dễ dàng xây dựng các giải pháp dựa trên AI và mang lại lợi ích cho xã hội.

Tất cả những điều này dẫn đến các kết luận có lẽ là quan trọng nhất đối với chúng tôi. Để vươn đến một thế giới của năng lực AI, chúng ta cần nhiều hơn chứ không chỉ là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Vì máy tính vận hành như con người, nên khoa học xã hội và nhân văn sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn. Các môn học ngôn ngữ, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế, đạo đức, triết học, tâm lý và phát triển con người có thể giáo dục các kỹ năng đạo đức, triết lý và phân tích giúp trang bị cho sự phát triển và quản trị giải pháp AI. Nếu mục tiêu của AI là để phục vụ con người, mỗi kỹ sư sẽ cần học về khoa học xã hội, và mỗi người chuyên về khoa học xã hội sẽ cần nghiên cứu về kỹ thuật.

Vì chúng ta không thể đoán được tương lai, điều đúng đắn chúng ta cần là dành thời gian lắng nghe và học tập lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng The Future Computed có thể tham gia vào cuộc thảo luận của mọi người.

Xem sách The Future Computed tại đây và những tài liệu liên quan tại đây.

Tags: ,