Có hay không một thế giới cho tất cả?

Không thể phủ nhận rằng công nghệ giúp cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn. Mặc dù vậy, đối với 6,2 triệu người khuyết tật Việt Nam, điều này chưa hẳn đã luôn đúng.

Theo điều tra của tổng cục thống kê và Unicef, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn. Những khó khăn về tài chính, giới hạn về giáo dục và nghề nghiệp này góp phần tạo nên một rào cản khá lớn trong việc hòa nhập với xã hội cho những người khuyết tật – chiếm hơn 7% tổng dân số Việt Nam. Chính rào cản này khiến họ khó có thể tiếp cận với công nghệ hơn so với những người bình thường, từ đó vô hình chung bị bỏ lại phía sau trong thời đại 4.0.

Tuy nhiên, đối với TS. Phạm Đức Trung Kiên – nhà sáng lập và điều hành Quỹ từ thiện Vietnam Foundation, khiếm khuyết về thị giác không làm anh đầu hàng trước số phận. Mất dần ánh sáng hơn bốn năm nay vì căn bệnh thoái hóa võng mạc, tuy nhiên, anh Kiên cũng như nhiều người khiếm thị khác vẫn luôn phấn đấu hàng ngày, hàng giờ để được sống và làm việc như những người lành lặn, để được cùng tiến bước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Với mong muốn mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ cho những người khiếm thị khác, anh Kiên đã thử chế tạo chiếc máy tính dành cho người khiếm thị. So với những chiếc máy tính thông thường khác, máy tính dành cho người khiếm thị do anh Kiên thiết kế và lắp ráp không có màn hình. Điều này làm cho giá thành của chiếc máy tính trở nên thấp hơn rất nhiều, như vậy, càng nhiều người khiếm thị có cơ hội sở hữu chìa khóa giúp họ kết nối với công nghệ hơn. Hoạt động trên công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói và chương trình đọc bàn phím (hiện có sẵn trên Windows 10), chiếc máy tính này giúp người khiếm thị không cần đến bộ chữ nổi Braille mà vẫn có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng văn phòng Microsoft Office, truy cập website, đọc tin tức online, kể cả việc chia sẻ và tương tác trên các trang mạng xã hội cũng có thể được thực hiện dễ dàng như người bình thường.

Mỗi học viên tốt nghiệp lớp đào tạo tin học cơ bản do Microsoft Việt Nam phối hợp cùng Quỹ từ thiện sách nói cho người mù tổ chức đều được anh Trung Kiên trao tặng chiếc máy tính này như là một phương tiện giúp họ tiếp tục học tập và tiếp cận với thế giới. Qua 2 năm hoạt động, dự án tin học cho người mù đã đào tạo 18 lớp tin học căn bản và 6 lớp nâng cao cho 219 người mù ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.

YouTube Video

Có cùng hoài bão xây dựng một thế giới hòa nhập cho tất cả mọi người là TS. Võ Thị Hoàng Yến, nhà sáng lập trung tâm nghiên cứu và phát triển người khuyết tật DRD.

Mặc dù có thành tích học tập khá tốt, chị Hoàng Yến đã bị từ chối khi nộp đơn vào đại học, với lý do không đủ sức khỏe do có khuyết tật ở chân. Sau nhiều lần đấu tranh, cuối cùng chị cũng được tham gia học tập tại trường đại học Kinh Tế Tp.Hồ Chí Minh và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Một lần nữa chị lại phải đối mặt với khó khăn việc làm, khi hầu như tất cả các công ty chị tìm đến đều e dè với đôi chân của chị. Trải qua những lần bị phân biệt đối xử vì khiếm khuyết của cơ thể, chị Hoàng Yến luôn mong ước một xã hội bình đẳng, hòa nhập cho người khuyết tật. Chính ước muốn đó là nguồn động lực giúp chị sáng lập và vận hành trung tâm nghiên cứu và phát triển người khuyết tật DRD, nơi các bạn trẻ khuyết tật có thể cùng gặp gỡ, học tập và giao lưu, cùng xây dựng một thế giới cho tất cả mọi người.

Tại trung tâm này, ứng dụng D.Map được phát triển bởi các bạn trẻ khuyết tật, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2016. Ứng dụng này cho phép người khuyết tật định vị và tra cứu thông tin về những địa điểm công cộng, từ đó biết được những nơi đó có thiết kế thân thiện với người khuyết tật hay không, và chủ động lên kế hoạch di chuyển đến những nơi mà họ cần đến. Theo một khảo sát do DRD thực hiện trước khi phát triển ứng dụng D.Map, tại Việt Nam có hơn 7.000 tòa nhà, nhưng chỉ có 78 tòa nhà được đánh giá là dễ tiếp cận cho người khuyết tật.

DMap

D.Map hiện đang được vận hành trên nền tảng đám mây Azure của Microsoft. Với sự đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật cũng như nền tảng của Microsoft, trung tâm DRD dự kiến sẽ đưa vào những tính năng AI của đám mây Azure như nhận diện hình ảnh, nhận diện chữ viết, từ đó mở rộng ứng dụng để có thể phục vụ thêm những người khiếm thị. Chị Hoàng Yến cũng chia sẻ kỳ vọng mang ứng dụng này tiến xa hơn để xây dựng một xã hội tiếp cận cho không chỉ người khuyết tật Việt Nam mà còn cho cộng đồng người khuyết tật ở các nước lân cận.

Trung tâm DRD hiện đang là một trong những tổ chức phi lợi nhuận tham dự chương trình AI for Accessibility Hackathon được Microsoft tổ chức tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Với chương trình này, các tổ chức phi lợi nhuận sẽ đưa ra những rào cản mà người khuyết tật Việt hiện đang gặp phải, và các nhà lập trình – đồng thời là đối tác của Microsoft, sẽ thiết kế những giải pháp công nghệ giúp tháo bỏ rào cản đó.

Ý tưởng được lựa chọn sẽ tiếp tục tham gia vào chương trình AI for Accessibility toàn cầu để có cơ hội nhận được tài trợ chi phí và hỗ trợ công nghệ từ Microsoft để tiếp tục phát triển và đưa giải pháp vào ứng dụng thực tế.

Chương trình AI for Accessibility Hackathon dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 10 năm 2019.

 

AI for Accessibility được công bố tại sự kiện thường niên Microsoft Build vào năm. Thông qua chương trình này, Microsoft dành ra 25 triệu đô trong 5 năm nhằm khuyến khích những ý tưởng ứng dụng công nghệ, cụ thể là trí thông minh nhân tạo vào việc xây dựng một thế giới hòa nhập và tiếp cận cho người khuyết tật. Cụ thể, Microsoft sẽ tài trợ chi phí dưới hình thức điểm sử dụng dịch vụ trên đám mây Azure và tư vấn về kỹ thuật cho những ý tưởng nổi bật giúp cải thiện (1) vấn đề việc làm, (2) cuộc sống và (3) kết nối và cộng đồng cho người khuyết tật.