Cuộc thi AI4A Hackathon của Microsoft khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: đội tuyển Thái Lan, Singapore và Philippines thể hiện xuất sắc với các sáng kiến cho người khuyết tật

 |   Microsoft Vietnam Communications

Vừa qua, ngày 13/5/2022, Microsoft công bố 3 đội đến từ Thái Lan, Singapore và Philippines đã xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc thi “AI for Accessibility (AI4A) Hackathon” được tổ chức tại các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là năm thứ ba Microsoft tổ chức cuộc thi này và trong năm nay, các đội tham gia AI4A Hackathon đã thể hiện mức độ cam kết cao trong việc tìm ra các giải pháp cho những thách thức mà người khuyết tật đang phải đối mặt. Cuộc thi AI4A Hackathon là cơ hội để những nhà sáng tạo nội dung và lập trình viên giới thiệu rộng rãi các ứng dụng của mình. Giá trị của cuộc thi không dừng lại ở các giải thưởng tiền mặt, mà còn cả cơ hội làm việc với các chuyên gia Kỹ thuật của Microsoft để cùng xây dựng các giải pháp trên nền tảng Microsoft Azure và nhận hỗ trợ về chuyên môn để hoàn thiện giải pháp của mình.

75 đội tham dự cuộc thi AI4A Hackathon năm nay đã xây dựng các giải pháp sáng tạo của đội mình xoay quanh các chủ đề về giao thông, các thiết bị có thể đeo trên người và các công cụ ngôn ngữ. Đây là những chủ đề gắn liền với các thách thức thực tế mà người khuyết tật đang phải đối mặt – dựa trên kết quả nghiên cứu của 14 tổ chức phi lợi nhuận.

Đội Asclepius từ Thái Lan, đội SWIFT Responders từ Singapore và đội EIA từ Philippines đã đưa ra những giải pháp giúp rút “thu hẹp khoảng cách” mà người khuyết tật gặp phải trong cuộc sống thường ngày, bao gồm thiết bị AI hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính, hệ thống thông minh giúp người khuyết tật về thể chất sống độc lập, và một ứng dụng hỗ trợ giao dịch ngân hàng cho người khiếm thị.

Ngoài ba đội chiến thắng, hai đội khác đến từ Indonesia (Arabic Braille Converter) và Singapore (MeetMeHear) sẽ được đào tạo và nhận hỗ trợ từ Microsoft và các đối tác của Microsoft, có cơ hội làm việc với các chuyên gia đám mây, được tư vấn trên khía cạnh kinh doanh để phát triển giải pháp của mình, từ giai đoạn ý tưởng cho đến ứng dụng hoàn thiện trên nền tảng Microsoft Azure.

Bà Pratima Amonkar, Giám đốc Đa dạng và Hòa nhập của Microsoft khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi thật sự được truyền cảm hứng trước sự nhiệt huyết và mong muốn cải thiện cuộc sống của người khuyết tật từ các bạn trẻ, được thể hiện qua các bài dự thi. Xin chúc mừng các đội chiến thắng – những người đã không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa các giải pháp của mình. Tháng 5 sẽ là thời điểm quan trọng để chúng tôi thấy được khả năng đóng góp to lớn của người khuyết tật khi Microsoft triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo và tư vấn với khách hàng, đối tác và cộng đồng rộng lớn hơn trên toàn khu vực.”

Với hơn 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới và 650 triệu người ở châu Á, Microsoft tin rằng khả năng tiếp cận là điều cần thiết để thực hiện sứ mệnh “trao quyền cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh để đạt được nhiều thành tựu hơn”. Khả năng tiếp cận chính là phương tiện giúp người khuyết tật hòa nhập trong cuộc sống. Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ trong việc “mở khóa” các giải pháp giúp trao quyền cho người khuyết tật và cách công nghệ tạo ra những thay đổi đột phá trong các cộng đồng ở các nước Châu Á – Thái Bình Dương, Microsoft sẽ dành tháng 5 năm 2022 là Tháng Nâng cao Nhận thức về Khả năng tiếp cận. Theo đó, Microsoft sẽ tổ chức hàng loạt hội thảo, khóa đào tạo và nhiều sự kiện cũng như lễ trao giải cho đội chiến thắng cuộc thi AI4A Hackathon.

Thái Lan: Đội Asclepius

Để giúp đỡ những người khiếm thính, đội Asclepius – Thái Lan, đã phát triển một ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản, sử dụng các mô hình học sâu và trí tuệ nhận tạo để nắm bắt các chuỗi chuyển động và các tư thế cơ thể mô phỏng bảng chữ cái, từ và số dựa trên Bảng ngôn ngữ kí hiệu tiếng Anh-Mỹ. Nhóm học sinh trung học đầy nhiệt huyết đến từ Thái Lan này có kế hoạch đầy tham vọng là tích hợp thêm các ngôn ngữ ký hiệu thường được sử dụng khác như Ngôn ngữ ký hiệu tiếng Anh-Anh và Pháp và cải tiến ứng dụng của mình cho các mục đích có quy mô rộng hơn như các sự kiện trực tiếp trên mạng.

ẢNH: Đội SWIFT Responders – Singapore phát triển một hệ thống thông minh giúp người khuyết tật về thể chất có thể sống độc lập.

Singapore: Đội SWIFT Responders

Đến từ Singapore, đội SWIFT Responders đã thiết kế giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp hỗ trợ cuộc sống độc lập của những người trưởng thành mắc chứng loạn dưỡng cơ đang sử dụng xe lăn động cơ. Hệ thống thông minh Hỗ trợ Người đi xe lăn Độc lập (gọi tắt là SWIFT) mà nhóm phát triển có thể phản hồi ngay lập tức khi người sử dụng xe lăn khi bị lệch khỏi vị trí điều khiển cân bằng. Hệ thống này mang đến sự tự tin cho những người sử dụng xe lăn, cũng như sự yên tâm cho những người chăm sóc khi  những người khuyết tật có thể sinh hoạt một cách độc lập và tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa vì sự an toàn của họ được đảm bảo.

 

ẢNH: Đội EIA từ Philipines đang tập trung làm việc. Đội phát triển một ứng dụng giao dịch ngân hàng dành riêng cho người khiếm thị. Từ trái qua phải: Christian Calonge, Ivan Christopher Carrillo.

Philippines: Team EIA

Nhằm mang đến trải nghiệm giao dịch ngân hàng toàn diện hơn cho người khiếm thị và người cao tuổi, đội EIA từ Philippines đã phát triển ứng dụng Trợ lý xử lý hình ảnh và tiếp cận (AVA) dựa trên học máy và trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng hoạt động như một trợ lý tài chính thông minh và ví di động cho người khiếm thị và người cao tuổi, giúp cho việc truy cập và thực hiện giao dịch ngân hàng kỹ thuật số trở nên đơn giản hơn. Điều này thúc đẩy khả năng tự quản lý tài chính cho những nhóm người này và giúp họ tiếp cận các khoản thanh toán và các dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.

Hai đội xuất sắc khác sẽ nhận được hỗ trợ và đào tạo từ Microsoft và các đối tác của Microsoft để đưa các dự án thành các ứng dụng hoàn chỉnh chạy trên nền tảng Microsoft Azure là: 

  1. Arabic Braille Converter (Indonesia): Đội tuyển đến từ Indonesia phát triển một ứng dụng có thể quét và chuyển đổi văn bản hoặc kí tự bằng hình vẽ từ tiếng Ả Rập sang định dạng chữ nổi Indonesia và có thể đọc được bằng trình đọc màn hình hoặc màn hình chữ nổi. Ứng dụng này cũng có chức năng dịch ngược từ chữ nổi Ả Rập sang văn bản Ả Rập.
  1. MeetMeHear (Singapore): Đội MeetMeHear phát triển một ứng dụng hỗ trợ người khiếm thính, giúp họ giao tiếp tốt hơn trong các cuộc họp trực tiếp, bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng giọng nói, từ đó chuyển đổi thành phụ đề chính xác hơn trong thời gian thực.

YouTube Video