Con thuyền mơ ước Dạy ngôn ngữ lập trình cho học sinh đồng bằng sông Cửu Long

 |   hanguy

Microsoft Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) và các đối tác tổ chức lễ ra mắt Dự án “Con thuyền mơ ước” với mục tiêu hỗ trợ học sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận với khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình.

Công nghệ thông tin là chìa khóa giúp chuyển đổi kinh tế

Theo nghiên cứu chuyển đổi số tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2018 do Microsoft phối hợp thực hiện với IDC, một trong những rào cản lớn nhất của công cuộc chuyển đổi số đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số phù hợp.  Đây không chỉ là rào cản trong công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, mà còn là rào cản trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước. “Chuyển đổi số giúp chuyển đổi kinh tế, và là chuyển đổi cho tất cả mọi người.” – Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ.

Ông Trường cho rằng xây dựng kiến thức số tại một đất nước đang hội nhập như Việt Nam là vô cùng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi kinh tế. “Các nước đã phát triển và các nước đang hội nhập trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đều đối mặt với những thử thách tương tự trong hành trình chuyển đổi số – chuyển đổi kinh tế. Thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số là một trong những rào cản lớn, tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội cho những nước đang hội nhập như Việt Nam rút ngắn khoảng cách bằng việc chú trọng và tăng tốc trong công cuộc giáo dục và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực tương lai.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức công nghệ thông tin cho thế hệ tương lai. “Việc mà chúng ta cần quan tâm là làm sao để mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ được trang bị những kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin cho các công việc của tương lai. Công nghệ thông tin chính là chìa khóa giúp chuyển đổi kinh tế, và Microsoft tự hào cùng đối tác của chúng tôi góp phần trang bị những kiến thức và kỹ năng công nghệ cần thiết cho giới trẻ Việt, nhằm đưa Việt Nam phát triển hơn trên con đường hội nhập.

Mang Công nghệ thông tin đến vùng sông nước

Theo thống kê của tỉnh, Vĩnh Long hiện có 10,364 hộ nghèo theo chuẩn quy định (trong đó trẻ em nghèo là 10,383 trẻ) và 12,719 hộ cận nghèo. Mặc dù công nghệ đã trở nên vô cùng gần gũi với nhiều người trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua, đối với rất nhiều trẻ em của tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có cơ hội chạm tay đến máy vi tính.

Các em không chỉ bị giới hạn bởi hoàn cảnh khó khăn mà còn đang bị động trong việc tiếp cận công nghệ thông tin do sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và năng lực giáo viên tại Vĩnh Long, cũng như các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khác.

“Con thuyền mơ ước” là một dự án nằm trong chương trình “Tăng cường kỹ năng thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển – Youthspark Digital Inclusion do Microsoft phối hợp cùng các đối tác thực hiện hàng năm. Mục tiêu của dự án là hướng đến việc nâng cao năng lực và gia tăng cơ hội tiếp cận kỹ năng công nghệ thông tin cho học sinh tại các vùng nông thôn; đồng thời, trang bị kiến thức khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình Scratch/Kodu cho các em nhỏ.

Năm 2018, Microsoft phối hợp cùng Quỹ Dairiu xây dựng dự án “Con thuyền mơ ước” tại khu vực Đồng bằng song Cửu Long, bao gồm các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang và Hậu Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu cho biết “Để tạo cơ hội hội nhập và phát triển cho các em học sinh khu vực nông thôn, công nghệ thông tin và lập trình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Quỹ Dariu mong muốn được đồng hành cùng Microsoft, hỗ trợ các em học sinh và giáo viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác đào tạo về ngôn ngữ lập trình, góp phần, nâng cao chất lượng giáo dục của khu vực”.

Nguyễn Thị Tiểu Yến – học sinh lớp 7/1 trường THCS Lưu Văn Mót chia sẻ: “Nhờ vào con thuyền mơ ước, em đã được tham gia lớp lập trình Hour of Code thật thú vị với trò chơi Minecraft. Em rất hi vọng con thuyền sẽ giúp em thực hiện ước mơ trở thành một lập trình viên trong tương lai!”

Trong năm 2018, dự án “Con thuyền mơ ước” có kế hoạch cung cấp kiến thức tin học ứng dụng và phổ cập lập trình cho 35,000 học sinh; trong đó có 10,000 học sinh được đào tạo về ngôn ngữ lập trình Scratch/Kodu cùng nhiều hoạt động bên lề. Đồng thời, Dự án còn tổ chức các khoá bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, và phương pháp giảng dạy về lập trình tin học cho 210 giáo viên từ các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang và Hậu Giang.

Tags: ,