Tích hợp công nghệ một cách có ý nghĩa để học tập tốt hơn với SAMR

Trường Đại học Công nghệ và Đổi mới Châu Á Thái Bình Dương (APU) tin rằng công nghệ là công cụ mạnh mẽ có thể thúc đẩy những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục cũng như cải thiện kết quả học tập cho sinh viên – nếu được tích hợp một cách cẩn thận và chu đáo. Để đảm bảo việc triển khai công nghệ phù hợp và tập trung hỗ trợ sinh viên, đại học APU thường ứng dụng các mô hình và lý thuyết có cơ sở vững chắc để bổ trợ cho quá trình thực hiện.

Năm 2017, đại học APU ra mắt một sáng kiến mới nhằm mục đích giúp sinh viên phát triển các kỹ năng thuộc nhóm 4C – tư duy phản biện (critical thinking), sáng tạo (creativity), giao tiếp (communication), và hợp tác (collaboration). TS. Kalai Anand Ratnam, Giảng viên cao cấp & Chuyên gia công nghệ, Khoa Tin học, Kỹ thuật & Công nghệ đã sử dụng Mô hình Thay thế, Mở rộng, Sửa đổi, Định nghĩa lại (SAMR) làm chỉ dẫn để tích hợp các công cụ trong Office 365 như OneNoteMicrosoft Teams vào một số mô-đun giảng dạy, trong đó có mô-đun Lập trình phân tích dữ liệu.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cách đại học APU tận dụng công nghệ thông qua mô hình SAMR để cải thiện thành công của sinh viên trong mô-đun Lập trình phân tích dữ liệu, thuộc chương trình Thạc sĩ về Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh:

 Thay thế: Công nghệ đóng vai trò công cụ được thay thế trực tiếp với chức năng không đổi

Vì mô-đun Lập trình phân tích dữ liệu vốn đã sử dụng một số dịch vụ và ứng dụng công nghệ thay thế cho những công cụ cũ hơn, đại học APU tập trung vào việc tiến xa hơn một bước khi tích hợp các công cụ công nghệ mới để mang lại giá trị gia tăng cho sinh viên.

 Mở rộng: Công nghệ đóng vai trò công cụ được thay thế trực tiếp với cải tiến về mặt chức năng

Việc đưa OneNote và Teams vào mô-đun này giúp sinh viên và giảng viên có thể chia sẻ thông tin trực tiếp, từ đó góp phần cải thiện chất lượng chia sẻ, thảo luận và hợp tác trong và ngoài lớp học.

Giờ đây, giảng viên có thể dễ dàng minh họa các khái niệm phức tạp bằng cách chia sẻ những đoạn code có thể thực hiện trực tiếp thông qua OneNote và Microsoft Teams. Tương tự, những sinh viên gặp khó khăn với các đoạn code của mình có thể dễ dàng sao chép và dán phần có vấn đề vào những nền tảng này để đề nghị trợ giúp. OneNote cũng cho phép sinh viên để lại phản hồi và nhận xét về các đoạn code của bạn học, từ đó thúc đẩy tư duy phản biện và học tập ở mức độ chuyên sâu hơn.

Sửa đổi: Công nghệ cho phép thực hiện thiết kế lại bài tập ở mức đáng kể

Tính năng ghi âm của OneNote cho phép các giảng viên đưa ra các phản hồi chuyên sâu về bài tập của sinh viên một cách cá nhân hóa hơn. Những phản hồi dài và nhiều chi tiết khi ghi âm lại được xem là  nhẹ nhàng và hiệu quả hơn so với phản hồi dạng văn bản đánh máy hay viết tay, có thể khuyến khích sinh viên đào sâu suy nghĩ nhiều hơn về bài tập của mình.

Bên cạnh đó, các giảng viên của đại học APU còn sử dụng nhiều ứng dụng cho các hoạt động và bài tập nhóm. Sinh viên được khuyến khích sử dụng Microsoft Teams để liên lạc với nhau ngoài giờ lên lớp để đảm bảo bài tập nhóm liên tục có tiến triển, và khuyến khích gửi báo cáo qua OneNote. Cách này giúp giảng viên có thể theo dõi tình hình công việc và hỗ trợ khi cần.

Chức năng đánh dấu trong OneNote cũng được nhiều sinh viên ưa dùng vì nó cho phép sinh viên được tự do khám phá nhiều ý tưởng khác nhau. Với công cụ này, sinh viên có thể vẽ, lập bản đồ tư duy, viết các công thức phức tạp và thể hiện óc sáng tạo theo nhiều cách khác nhau.

 Định nghĩa lại: Công nghệ cho phép tạo ra những nhiệm vụ trước đây chưa từng được nghĩ tới

Ngoài OneNote và Microsoft Teams, đại học APU còn sử dụng Office 365 để tạo các đoạn video học tập. Các video xem trước nội dung bài học được đăng tải trước giờ lên lớp để sinh viên có thể hiểu biết cơ bản và nghiên cứu trước về bài học. Nhờ đó, giảng viên có thể sử dụng thời gian trên lớp để giải thích và làm rõ những khái niệm khó hay đào sâu vào chi tiết hơn khi thảo luận về nội dung học.

Với những bài học đặc biệt phức tạp, giảng viên có thể tạo thêm các video tóm lược nội dung, tận dụng hình thức hình ảnh trực quan để minh họa bổ sung cho các tài liệu tham khảo bằng văn bản mà sinh viên đã có.

Trong bài tập nhóm, sinh viên tham gia mô-đun Lập trình phân tích dữ liệu cũng được yêu cầu tạo và chia sẻ một đoạn video thông qua Microsoft Streams. Qua quá trình làm video, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về bài tập, đồng thời rèn luyện các kĩ năng khác như sáng tạo và hợp tác.

Trải nghiệm tự học hỏi thông qua phương thức tích hợp một cách cẩn trọng

TS. Kalai Anand Ratnam cho biết: “Nhờ có mô hình SAMR, chúng tôi đã có thể tích hợp OneNote và Microsoft Teams vào mô-đun một cách liền mạch. Mô hình này giúp đảm bảo chúng tôi đang sử dụng công nghệ một cách có ý nghĩa và cải thiện chính những gì chúng tôi vốn đang làm để phát triển nhóm kĩ năng 4C cũng như nâng cao kết quả học tập cho sinh viên. Từ ngày có ứng dụng OneNote, sinh viên của tôi đã quan tâm và tham gia tích cực hơn vào hoạt động học tập.”

Dựa trên những ý tưởng của lý thuyết mô hình học tập kết nối, đại học APU hiện đang từng bước tích hợp Microsoft Teams, SkypeYammer trên toàn trường để xây dựng môi trường khuyến khích học tập liên tục. Kể từ lúc bắt đầu triển khai vào nửa năm trước, gần 500 sinh viên đã đăng ký tài khoản Microsoft Teams, tạo nên một cộng đồng thuận lợi cho việc chia sẻ và hợp tác.

Cả hai sáng kiến tới nay đều nhận được những phản hồi hết sức tích cực. Nhà trường mong muốn tích hợp thêm nhiều công cụ công nghệ – một cách cẩn trọng và phù hợp – nhằm giúp sinh viên đạt được kết quả học tập tốt hơn.

 

Để biết thêm chi tiết về quá trình triển khai của đại học APU, vui lòng tham khảo nghiên cứu này. Để biết thêm thông tin về cách bạn có thể ứng dụng công nghệ để học tập tốt hơn, vui lòng tham khảo Microsoft Education hoặc Microsoft Educator Community Portal.