Văn hóa đổi mới giúp tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế

 |   Microsoft Vietnam Communications

Văn hóa Đổi mới

Theo một nghiên cứu mới thực hiện của Microsoft và IDC, 74% người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh ở Châu Á Thái Bình Dương cho rằng đổi mới hiện là điều bắt buộc, chứ không còn là lựa chọn; họ thấy rằng khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu.

Hầu hết (98%) các doanh nghiệp tiên phong với nền văn hóa đổi mới tiên tiến nhất đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường; những doanh nghiệp này vững vàng hơn trước các cuộc khủng hoảng và có khả năng phục hồi nhanh hơn:

      • So với các doanh nghiệp khác, hơn 50% doanh nghiệp tiên phong dự kiến sẽ tăng doanh thu vào năm 2020;
      • Cứ 3 doanh nghiệp tiên phong thì lại có 1 doanh nghiệp dự kiến tăng thị phần bất chấp đại dịch;
      • 45% doanh nghiệp tiên phong tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19 trong vòng sáu tháng hoặc ít hơn.

Trong bối cảnh cả khu vực đang tiếp tục đối phó với những gián đoạn do COVID-19 gây ra, 74% doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương cho rằng đổi mới là điều bắt buộc để họ có khả năng phản ứng nhanh trước những thách thức và cơ hội của thị trường, đồng thời đảm bảo khả năng chống chịu của hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, hầu như tất cả (98%) doanh nghiệp với nền văn hóa đổi mới hoàn thiện nhất (các doanh nghiệp tiên phong) đồng ý rằng đổi mới là điều cần thiết để duy trì khả năng chống chịu trong thời kỳ khủng hoảng.

Nhờ khả năng đổi mới, các doanh nghiệp tiên phong đã thể hiện sự kiên cường hơn cũng như khả năng phục hồi nhanh hơn. Gần một nửa trong nhóm doanh nghiệp này tin rằng họ sẽ phục hồi sau đại dịch trong vòng sáu tháng hoặc ít hơn. Trên thực tế, số doanh nghiệp tiên phong dự kiến sẽ tăng doanh thu nhiều hơn 50% so với các doanh nghiệp còn lại được khảo sát, và 1 trên 3 doanh nghiệp tiên phong dự kiến tăng thị phần bất chấp khủng hoảng.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, “Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ​​làn sóng thay đổi đã ‘càn quét’ khu vực Châu Á Thái Bình Dương như thế nào. Đây không phải là một giai đoạn dễ dàng. Các doanh nghiệp có những thách thức cần phải vượt qua và đổi mới không còn là điều xa xỉ – nó phải trở thành một phần cốt lõi, là yếu tố thiết yếu để các doanh nghiệp thích nghi nhanh chóng, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh cũng như khả năng chống chịu trong tương lai.”

Bà Sandra Ng, Phó Chủ tịch, Practice Group, IDC Châu Á Thái Bình Dương giải thích, “Các doanh nghiệp trên khắp Châu Á Thái Bình Dương đã hiểu được tầm quan trọng của khả năng đổi mới trong việc thúc đẩy hiệu suất và khả năng chống chịu trong thời kỳ khủng hoảng. Họ cũng nhận thấy nhu cầu cần phải đổi mới và tăng tốc chuyển đổi để đáp ứng với những thách thức và điều kiện thị trường mới. Và họ nhận ra đổi mới không khó như họ nghĩ. Gần một nửa (48%) doanh nghiệp trong khu vực được khảo sát ở thời điểm hiện tại chia sẻ rằng họ thấy việc thúc đẩy đổi mới dễ dàng hơn. Trong khi đó tại cuộc khảo sát trước khi COVID-19 xuất hiện, chỉ có một phần tư (27%) trong số đó cảm thấy như vậy.”

Những phát hiện này được Microsoft công bố trong nghiên cứu mới nhất thực hiện cùng IDC Châu Á Thái Bình Dương. Nghiên cứu này khảo sát 3.312 người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh và 3.495 người lao động tại 15 thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương trong vòng sáu tháng, trước và kể từ khi COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu với tiêu đề “Văn hóa đổi mới: Nền tảng cho khả năng chống chịu của doanh nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế ở Châu Á Thái Bình Dương” đã chỉ ra cách các doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng phục hồi và hiệu suất kinh doanh thông qua đổi mới.

Nghiên cứu cũng giới thiệu khung văn hóa đổi mới, bao gồm các khía cạnh con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ, để đánh giá cách tiếp cận đổi mới của các doanh nghiệp. Ngoài ra, qua nghiên cứu này, các doanh nghiệp cũng được cung cấp hướng dẫn để tiến tới giai đoạn trưởng thành trong chuyển đổi và cách phản ứng với các thách thức để phục hồi nhanh hơn, từ đó cải thiện hiệu suất.

Khung văn hóa chuyển đổi

Hình 1: Khung văn hóa chuyển đổi

Ông Trường cho biết thêm: “Ban đầu chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn hóa đổi mới và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Giờ đây, chúng tôi đã thấy rõ việc sở hữu một nền văn hóa đổi mới trưởng thành đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với khả năng chống chịu rủi ro, sóng gió của nền kinh tế và thiết lập lộ trình phục hồi.”

Đánh giá mức độ trưởng thành của doanh nghiệp trong văn hóa đổi mới

Khung trưởng thành trong văn hóa đổi mới thể hiện cách tiếp cận của các doanh nghiệp đối với đổi mới. Thông qua nghiên cứu, hiệu suất của các doanh nghiệp được sơ đồ hóa dựa trên bốn khía cạnh (con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ), và các doanh nghiệp được nhóm vào 4 giai đoạn – theo chủ nghĩa truyền thống (giai đoạn 1), mới làm quen (giai đoạn 2), ứng dụng (giai đoạn 3) và tiên phong (giai đoạn 4). Nhóm tiên phong bao gồm các doanh nghiệp đạt đến độ hoàn thiện trong xây dựng văn hóa đổi mới.

Nghiên cứu cho thấy trong vòng sáu tháng, mức độ trưởng thành trong văn hóa đổi mới của các doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương đã tăng 11%. Con số này cho thấy các doanh nghiệp đã tăng khả năng đổi mới của mình.

Sự trưởng thành trong văn hóa đổi mới

Hình 2: Sự trưởng thành trong văn hóa đổi mới (%)

Như đã nêu ở trên, các doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng thích nghi với các điều kiện mới khi khủng hoảng xảy ra và nhận ra rằng việc đổi mới dễ dàng hơn họ nghĩ. Nghiên cứu cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số doanh nghiệp nhận thấy đổi mới là khó khăn đã giảm từ 68% xuống 36% ở nhóm doanh nghiệp tiên phong, và 74% xuống 54% ở các doanh nghiệp còn lại.

Tốc độ số hóa nhanh hơn cũng là chìa khóa để phát triển các doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ hơn. Nghiên cứu cho thấy 87% doanh nghiệp tiên phong sẽ tăng tốc số hóa bằng cách đưa ra các sáng kiến ​​bao gồm sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán và thương mại điện tử để đáp ứng với thực tế mới. Tỉ lệ này ở nhóm doanh nghiệp còn lại là 67%.

Các doanh nghiệp tiên phong cũng đang tiến xa hơn trong nhiệm vụ tư duy lại các mô hình kinh doanh, vì đó là chiến lược hàng đầu mà họ đã triển khai để duy trì khả năng chống chịu và đáp ứng tốt hơn với các điều kiện thị trường mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn mới thì đang lên kế hoạch thực hiện trong tương lai gần. Doanh nghiệp tiên phong chia sẻ rằng trong tương lai họ sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ để tăng khả năng mở rộng và tính linh hoạt, đồng thời nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để đảm bảo khả năng chống chịu và hiệu suất kinh doanh trong tương lai.

Bà Sandra Ng, Phó Chủ tịch, Practice Group, IDC Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, “Chúng tôi nhìn thấy sự khao khát tăng trưởng và đổi mới không ngừng ở các doanh nghiệp tiên phong. Trong thời kỳ COVID-19, 45% doanh nghiệp tiên phong nghĩ rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trong thời gian 5 năm, so với tỷ lệ là 30% ở các doanh nghiệp còn lại. Mong muốn cũng như sự thôi thúc cải tiến liên tục thông qua tính nhanh nhạy và khả năng thích ứng với thay đổi sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới này.”

Tập trung vào con người và công nghệ

Trong các khía cạnh của văn hóa đổi mới, con người và công nghệ được các doanh nghiệp coi là hai ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng tới.

Con người và công nghệ

Hình 3: Con người và công nghệ là hai lĩnh vực trọng tâm của các doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương

 Ông Trường cho biết, “Cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho chúng ta thấy tính liên tục của hoạt động kinh doanh và khả năng đáp ứng điều kiện tương lai phụ thuộc vào việc con người đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật số hay chưa.”

Ông giải thích thêm, “Chúng tôi mô tả điều này bằng thuật ngữ cường độ công nghệ (tech intensity). Giờ đây, khi mọi doanh nghiệp đều trở thành một doanh nghiệp số, thành công trong quá trình chuyển đổi đòi hỏi cả việc áp dụng các công cụ và công nghệ lẫn sở hữu năng lực số. Một nền văn hóa khuyến khích đổi mới và nắm lấy các cơ hội kỹ thuật số là điều thiết yếu để trang bị cho lực lượng lao động và bản thân doanh nghiệp trước những thách thức hiện tại và tương lai.”

Văn hóa đổi mới – công thức để có được khả năng chống chọi và phục hồi kinh tế nhanh hơn

Dựa trên khung văn hóa đổi mới, nghiên cứu đã tiết lộ những cách làm hiệu quả nhất mà các tổ chức có thể áp dụng trên các lĩnh vực: con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ.

Cụ thể, các tổ chức được khuyến khích:

  1. Tăng cường khả năng chống chịu với công nghệ

Củng cố cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với chuyển đổi kỹ thuật số bằng các công nghệ linh hoạt mang đến sự đơn giản và nhanh nhạy — đám mây, trí tuệ nhân tạo và máy học. Đồng thời, đưa an ninh mạng vào dấu ấn kỹ thuật số của doanh nghiệp.

  1. Đầu tư vào năng lực và kỹ năng của con người

Tạo môi trường cởi mở và hòa nhập để thu hút nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau. Tích hợp nỗ lực đổi mới tại nơi làm việc cũng là nhiệm vụ cốt yếu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, có phần thưởng và hình thức khích lệ phù hợp để khuyến khích đổi mới và nâng cao kỹ năng, theo đó duy trì tốc độ đổi mới bằng cách khai mở khả năng của con người. 

  1. Tận dụng dữ liệu để tăng khả năng cạnh tranh

Tận dụng giá trị của dữ liệu thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như các dòng doanh thu mới theo định hướng dữ liệu để tăng khả năng cạnh tranh của tổ chức. Nên tận dụng thông tin chuyên sâu thúc đẩy bởi dữ liệu trong hoạt động cộng tác và ra quyết định trên toàn doanh nghiệp nhằm tạo ra văn hóa chia sẻ kiến ​​thức. 

  1. Thiết kế lại các quy trình để tạo điều kiện cho mọi người liên tục thúc đẩy đổi mới

Xây dựng cách tiếp cận có hệ thống để thúc đẩy đổi mới – từ khâu lên ý tưởng đến khâu thương mại hóa – và thiết lập ngân sách chuyển đổi kỹ thuật số tập trung, cùng với KPI kỹ thuật số. Cần coi phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm là trọng tâm của những cải tiến liên tục và thiết lập vòng lặp thông tin phản hồi để liên tục nắm bắt kiến thức.

Ông Trường chia sẻ. “Con người được coi là mạch máu của các doanh nghiệp đổi mới. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang nhận ra mối quan hệ không thể tách rời giữa đầu tư vào lực lượng lao động và sở hữu nền tảng công nghệ và chiến lược vững chắc – với lần lượt 27% và 34% doanh nghiệp ưu tiên con người và công nghệ trong 12 tháng tới.”

Ông Trường kết luận, “Để thành công trong trạng thái bình thường mới và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, chúng ta không chỉ cần có một nền tảng kỹ thuật số vững chắc mà còn cần đảm bảo con người có các kỹ năng và công cụ để làm việc cùng nhau và thúc đẩy đổi mới đột phá. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo một tương lai bền vững và toàn diện hơn cho tất cả doanh nghiệp. Tại Microsoft, chúng tôi cam kết hợp tác với các doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương để cùng nhau hiện thức hóa điều này”.